Mưa.., những hạt mưa như nặng chĩu tâm trạng, nặng nề rơi xuống bên mái hiên của quán cà phê cổ kính đã loang lổ những mảng tường bong tróc. Đã bao lâu rồi, 5 năm.. 10 năm.., tôi cũng chẳng thế nhớ rõ nữa, chỉ biết khi còn là một cậu nhóc tập tững bước vào đời- nó đã ở đây rồi. Bên trong, quán nhỏ chỉ vừa đủ vài bộ bàn ghế gỗ, thơm mùi cà phê rang và thoảng thoảng hương quế từ chiếc nến nhỏ đặt nơi quầy. Âm nhạc du dương, đôi khi là bản tình ca cũ vang nhẹ trong không gian ấm áp. Người đến đây thường không vội – có người đọc sách bên tách cà phê đen, có người nhìn ra ngoài cửa kính lấm tấm mưa mà thả hồn theo suy nghĩ. Quán cà phê ấy không ồn ào, không sáng bóng – nó bình dị như chính nhịp sống nơi thị trấn nhỏ này.
Chọn một chỗ quen thuộc bên hiên cửa sổ – nơi tôi có thể nhìn ngắm thị trấn đang loang loáng nước mưa. Hương ca phê với những tiếng đàn như đưa tôi về những ngày xưa cũ. Thị trấn này ngày mưa vẫn chậm rãi như tôi nhớ – những mái ngói rêu phong, những con đường hẹp quanh co và những hàng cây đứng lặng dưới làn mưa bụi. Mười lăm năm tôi sống ở thành phố, vội vã giữa những tòa nhà cao tầng, chen chúc trong dòng người chưa kịp nhìn mặt nhau đã vội lướt qua. Vậy mà giờ, chỉ cần một tiếng mưa rơi lên mái tôn cũ kỹ, tôi lại thấy mình như cậu trai năm nào, đạp xe qua con dốc nhỏ, áo ướt mưa nhưng trong lòng đầy những ước mơ chẳng tên.
Tôi về không phải để bắt đầu lại điều gì. Chỉ là, có những ngày, thành phố bỗng trở nên quá chật, còn ký ức thì cứ đầy lên, tràn ra từ những góc khuất không ai thấy. Tôi cần một nơi để thở, để yên lặng một chút – và tôi đã trở về, như một kẻ đi xa lâu ngày chợt nhớ ra đường về nhà.
Tôi đang khuấy nhẹ tách cà phê thì có một giọng nói cất lên, dịu như gió mưa đầu mùa:
– Cậu vẫn uống đen đá không đường?
Tôi ngẩng lên. Là Linh Trà.
Cô đứng đó, không khác nhiều so với những ngày xưa cũ – mái tóc vẫn dài ngang vai, chỉ có đôi mắt là thêm chút trầm lặng. Tôi thoáng bất ngờ, rồi gật đầu cười:
– Còn nhớ cả điều đó à?
– Khó quên lắm. – Cô đáp, kéo ghế ngồi xuống đối diện – Mười lăm năm rồi mà.
Tôi nhìn quanh quán, mọi thứ dường như chẳng thay đổi nhiều – vẫn chiếc đồng hồ cũ treo lệch trên tường, lọ hoa khô nơi quầy, và cái bàn góc này... nơi tôi từng ngồi viết những dòng thơ ngớ ngẩn hồi lớp 12.
– Vẫn là quán cũ. – Tôi khẽ nói – Nhưng giờ có vẻ… ấm áp hơn.
Linh Trà mỉm cười, ánh mắt nhìn tôi như xuyên qua bao năm tháng.
– Cậu biết không, sau khi tụi mình tốt nghiệp, dì chủ quán chuyển đi. Quán đóng cửa mấy năm. Rồi một ngày, tớ trở lại, mở cửa lại nó – không để kinh doanh cho đông khách, mà là… để giữ lại chút gì đó.
Tôi im lặng, lòng bỗng dậy lên một cảm giác thật lạ – như thể ký ức đang sống lại, len qua từng hạt mưa bên ngoài khung cửa sổ mờ sương.
– Vậy là… cậu giữ giùm chúng ta một thời đã cũ. – Tôi thì thầm.
– Tớ không chắc giữ được bao nhiêu… – Linh Trà nói, mắt nhìn ra trời mưa – Nhưng ít ra, hôm nay cậu đã trở lại.
Tôi ngồi lặng đi một lúc sau lời nói của Linh Trà. Ngoài kia, mưa vẫn chưa dứt, như cố tình níu kéo một buổi chiều đang trôi chậm.
Tách cà phê trên tay đã nguội đi từ lúc nào, nhưng tôi vẫn chưa uống ngụm nào. Có lẽ vì vị đắng trong lòng lúc này đã đủ đầy.
– Cậu còn nhớ sân sau trường mình không? – Tôi khẽ hỏi.
Linh Trà ngẩng lên nhìn tôi, gật nhẹ.
– Nhớ chứ. Cái bậc tam cấp dưới gốc phượng ấy. Cậu từng ngủ gục ở đó suốt buổi sinh hoạt đầu tuần.
Cả hai cùng bật cười, rất khẽ. Giống như sợ tiếng cười sẽ làm vỡ tan mảnh ký ức đang vừa kịp hiện về.
Tôi nhắm mắt lại, để mặc trí nhớ dẫn lối. Những ngày học dưới mái trường THPT Lang Quân hiện về rõ ràng hơn bao giờ hết. Hồi đó, tôi đạp xe từ Du Vân lên mỗi sáng, đường đất đỏ lấm lem vào mùa mưa, bụi mù vào mùa hanh. Ba giờ rưỡi sáng dậy, mẹ gói cho ổ bánh mì với chai nước chè đặc. Tôi chẳng bao giờ kịp ăn hết, nhưng luôn mang theo – như một phần của hành trình.
Những dãy phòng học màu vàng nhạt, sân trường đầy nắng và tiếng trống reo lên mỗi khi ra chơi. Tôi nhớ cả cái cảm giác hồi hộp mỗi lần đi ngang qua lớp 11A3 – lớp của Linh Trà. Dù chẳng dám chào, cũng chẳng dám nhìn lâu.
Mọi thứ như mới hôm qua thôi. Nhưng hôm qua ấy… đã lùi lại hơn mười năm rồi.
Tôi tên là Thắng. Lớn lên ở Du Vân – một xã nhỏ nép mình bên triền đê, nơi mỗi mùa trôi qua đều để lại mùi đất rất riêng. Tuổi thơ tôi gắn với con đường đất đỏ lầy lội, những chiều tắm mưa và những buổi chăn trâu chạy rong ngoài đồng. Bạn thân nhất của tôi là thằng Chiến – chơi với nhau từ hồi lớp 1. Hồi nhỏ, hai đứa như hình với bóng, cùng đi học, cùng nghịch dại, cùng bị cô giáo phạt đứng góc bảng vì chép bài sai.
Mùa thu năm đó, cả hai đỗ vào trường THPT Lang Quân – ngôi trường cấp 3 lớn nhất huyện, cũng là nơi mà tôi từng mơ hồ nghĩ đến như một cái gì xa lạ và nghiêm trang. Trường nằm ngay thị trấn, có cổng lớn sơn xanh và hàng cây bàng rợp bóng suốt dọc sân. Ngày đầu nhập học, tôi với Chiến cứ lóng ngóng như hai đứa nhà quê lên tỉnh – ngỡ ngàng với từng dãy hành lang, từng lớp học đông đúc, và những khuôn mặt lạ hoắc.
Những năm đầu cấp 3, tôi và Chiến gần như không tách rời. Lớp 10A7 của chúng tôi nằm ở dãy nhà sau, cũ kỹ và xa phòng giáo viên nhất trường – một điều mà bọn con trai chúng tôi coi là "ưu điểm tuyệt đối". Có lần thầy giám thị đi kiểm tra, phát hiện cả đám đang chơi đá cầu trong lớp khi tiết Sinh học đang diễn ra. Chiến bị bắt quả tang giữa cú vô-lê cực mạnh, còn tôi thì đang giữ tỉ số, thế là cả hai bị ghi tên lên bảng phê bình tuần.
Chúng tôi chẳng phải học sinh giỏi gì, nhưng cũng không đến mức cá biệt. Điểm thi lúc lên lúc xuống như giá rau ngoài chợ Du Vân, nhưng được cái rất chịu khó đến lớp – một phần vì sợ mẹ, phần còn lại là… thích cái cảm giác đứng dưới sân trường nghe loa phát nhạc chào cờ đầu tuần.
Lớp 10 của tôi trôi qua như thế – đầy những tiết học ngáp ngắn ngáp dài, những giờ kiểm tra không biết làm nhưng vẫn nộp giấy trông rất tự tin, và những buổi chiều đá bóng đến sẫm tối mới chịu về.
Rồi năm học lớp 11 bắt đầu. Lớp mới, giáo viên mới, bàn ghế cũng đổi luôn. Chiến ngồi bàn trên tôi một hàng, vẫn nghịch như cũ nhưng ít nói hơn – chắc tại lúc đó cả hai đều bắt đầu cảm nhận được cái bóng của kỳ thi đang đến gần.
Và rồi, giữa cái tháng 9 đầy nắng gió ấy, Linh Trà xuất hiện.
Cô ấy chuyển đến từ một trường khác, vào lớp 11A3 – lớp nằm ngay đối diện hành lang lớp tôi. Không ồn ào, không nổi bật, nhưng chẳng hiểu sao, buổi sáng hôm ấy khi đi ngang qua lớp họp Đoàn, tôi nhìn thấy cô đứng cạnh cửa sổ, mắt đang đọc gì đó – và tôi đứng khựng lại.
Không phải tiếng sét ái tình gì lãng mạn như phim ảnh. Chỉ là một thoáng rất nhẹ – nhưng cũng đủ để khiến tôi thấy tim mình đập khác đi một nhịp.
Tôi cứ đứng lặng vài giây trước cửa phòng họp Đoàn, ánh mắt không rời khỏi dáng người con gái đang nghiêng đầu đọc một cuốn sách.
Cô ấy mặc áo sơ mi trắng, quần âu đen – đồng phục học sinh nhưng trên người cô lại toát ra một vẻ gì rất khác. Mái tóc đen dài thả tự nhiên, nhẹ nhàng ôm lấy khuôn mặt thanh tú. Nắng sớm xuyên qua khung cửa, phản chiếu lên gò má cô một ánh vàng dịu, khiến đôi mắt cô – dài và sâu – càng trở nên nổi bật. Cô đứng đó, lặng lẽ, như tách biệt hẳn với sự ồn ã của sân trường.
Tôi nuốt nước bọt, rồi khẽ huých tay Chiến – thằng bạn đang đứng dựa cột gật gù buồn ngủ sau buổi thể dục.
– Ê Chiến… mày nhìn con bé kia đi.
– Gì, con nào? – Nó càu nhàu, mắt vẫn lờ đờ.
– Bên lớp 11A3, đứng cạnh cửa sổ ấy. Tóc dài, đang đọc sách.
Chiến lườm tôi một cái, rồi liếc qua.
– Ờ… xinh đấy. Mày tính làm thơ à?
– Không… tao thấy lạ.
– Lạ là mày đang đổ đấy Thắng ơi. – Nó cười khì – Tỉnh giùm cái. Mới vào năm học chưa được hai tuần.
Tôi không nói gì thêm. Chỉ biết rằng trong cái khoảnh khắc rất ngắn ngủi ấy, có một điều gì đó trong tôi đã thay đổi. Như thể từ giây phút đó, những buổi đến trường không còn chỉ là đến lớp và chờ hết tiết nữa.
Hôm đó là chiều thứ Năm, trời vừa tạnh mưa sau một trận rào. Tôi ở lại trực lớp thay cho Chiến – nó xin về sớm vì "nhà có viêc", lý do mà nó đã dùng ít nhất ba lần trong học kỳ này
Tôi đang quét sân thì phát hiện thùng rác trước lớp đầy tràn, thế là gò lưng đẩy xe rác ra bãi tập kết sau dãy nhà B – đúng lúc ấy thì gặp cô.
Linh Trà đang loay hoay dựng chiếc Cub 50 màu xanh nhạt dưới chân dốc. Có vẻ xe cô vừa đổ do bánh sau trượt nước, đồ trong giỏ văng tung tóe ra đất.
Tôi ngập ngừng vài giây rồi bước tới:
– Ờ… bạn có cần giúp không?
Cô ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt thoáng ngạc nhiên rồi khẽ gật đầu. Tôi cúi xuống dựng xe giúp, vừa cúi vừa tự hỏi sao tay mình lại run đến thế.
– Cảm ơn bạn… Mình hơi vụng. Xe mới mượn của chị gái. – Cô nói, giọng nhỏ nhẹ.
– Không sao. Mưa trơn thật mà.
Một cơn gió thổi qua, mang theo mùi đất ẩm và cả mùi nước hoa thoảng dịu từ tóc cô. Tôi bối rối cúi xuống nhặt lại cuốn sách rơi bên lề đường – "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu.
– Lớp 11A3 à? – Tôi hỏi.
– Ừ, mình tên Trà. Linh Trà.
Tôi khựng lại một nhịp. Thì ra là cô gái hôm nọ… cửa sổ… nắng sớm.
– Mình là Thắng. 11A7. Ờ… hôm nọ có thấy bạn ở phòng Đoàn.
– Ừm, mình trực ban đầu tuần.
Sau đó là vài giây im lặng. Không phải ngượng ngùng, mà là kiểu lặng yên khiến người ta không muốn phá vỡ.
Cô cảm ơn tôi lần nữa, rồi dắt xe đi. Tôi đứng lại nhìn theo, lòng bỗng dưng thấy chiều hôm đó… rất khác. Cái gì đó vừa bắt đầu, dù tôi chẳng biết rõ nó là gì.
Tối về, tôi mở điện thoại, vào Facebook lớp 11A3 – và mất gần 15 phút để tìm ra cái tên: "Linh Trà – bình thường nhưng không tầm thường". Tôi bấm kết bạn.
Chờ.
Và 5 phút sau… một thông báo hiện lên: "Linh Trà đã chấp nhận lời mời kết bạn của bạn."
Từ hôm gặp Linh Trà, tôi không nhắn tin ngay. Không phải vì không muốn – mà vì không biết phải bắt đầu thế nào để… không nhạt. Tôi sợ cái kiểu "Chào bạn, mình là Thắng hôm trước giúp dựng xe đó" nghe chẳng khác gì robot. Vậy nên, tôi cứ để đó. Lặng thinh. Thỉnh thoảng vào xem trang cá nhân của cô, thấy đăng ảnh hoa lá, vài story chụp cốc trà đào, đôi lúc là những dòng trạng thái ngắn, toàn chữ viết thường – không icon, không phô trương.
Cho đến một tối nọ.
Tôi đang chơi 8 Ball trên Messenger – trò bắn bi-a mini mà đám con trai lớp tôi đứa nào cũng nghiện – thì bỗng thấy cái tên "Linh Trà" hiện lên trong danh sách online. Không hiểu ma xui quỷ khiến gì, tôi bấm mời.
Mười giây sau – "Linh Trà đã chấp nhận lời mời chơi 8 Ball".
Trận đầu, tôi thắng. May mắn thôi – vì cô đánh hụt bi đen vào lỗ giữa.
Trận hai, tôi thua. Và tôi bắt đầu nghi ngờ: "Con gái gì mà đánh chuẩn thế?"
Đến ván thứ ba, tôi không chịu nổi nữa, bấm nút nhắn tin:
Thắng: "Bạn chơi đâu ra tay cứng vậy, cao thủ à?"
Trà: "Không, do bạn đánh dở thôi."
Thắng: "Ờ… nói vậy thì ván sau tôi gỡ."
Trà: "Thử xem."
Chúng tôi không nói nhiều. Chủ yếu là thả biểu cảm và thách đấu. Nhưng sau vài trận, tôi cảm thấy cái rào cản lạ lẫm ban đầu hình như đang tan ra.
Tối hôm sau, khi đang xem trận Ý – Tây Ban Nha ở vòng bảng EURO, tôi thấy Trà online. Lần này, tôi chủ động.
Thắng: "Bạn cổ vũ đội nào ở EURO đấy?"
Trà: "Tây Ban Nha. Từ hồi còn David Villa."
Thắng: "Ghê… mình tưởng bạn kiểu chỉ thích hoa với trà."
Trà: "Thích bóng đá không nghĩa là không thích hoa."
Thắng: "Ờ, chuẩn. Mà Villa giải nghệ lâu rồi còn gì, bạn trung thành phết."
Trà: "Ừ, cũng giống kiểu… mình vẫn thích những thứ cũ kỹ, không ồn ào."
Tôi đọc đi đọc lại dòng đó mấy lần. Không hiểu sao, nó đọng lại trong đầu tôi lâu lạ.
Sau vài buổi đá bi-a và nói chuyện bóng đá, tôi và Linh Trà không còn cảm thấy "ngại ngùng" khi chạm mặt nhau ở hành lang nữa. Đôi khi chỉ là một cái gật đầu, hoặc một nụ cười nhẹ, nhưng tôi biết – sự xa lạ giữa chúng tôi đang dần biến mất.
Tôi không nhắn tin hàng ngày, chỉ thỉnh thoảng. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi đều suy nghĩ kỹ trước khi gõ. Trà không phải kiểu người trả lời nhiều chữ, nhưng mỗi câu cô nói đều khiến tôi muốn trả lời tiếp.
Một buổi tối, sau trận bán kết, tôi gửi cho Trà một tấm ảnh: cảnh hoàng hôn tôi chụp trên đê làng Du Vân – mặt trời đỏ rực, vệt nắng loang ra như màu nước.
Thắng: "Hôm nay trời đẹp lạ."
Trà: "Ừ. Ảnh đẹp."
Thắng: "Bạn thích chụp ảnh không?"
Trà: "Không nhiều. Nhưng thích nhìn ảnh người khác chụp."
Thắng: "Sao?"
Trà: "Vì khi người ta đưa máy lên, thường là lúc họ cảm thấy một điều gì đó. Và mình muốn hiểu điều đó."
Tôi ngẩn người. Thật sự chưa ai từng nói với tôi kiểu ấy.
Từ hôm đó, chúng tôi bắt đầu chia sẻ nhiều hơn – không còn chỉ là bóng đá, mà là ảnh, là nhạc, là những câu chuyện vụn vặt ở trường. Tôi kể cho Trà nghe chuyện thầy Toản dạy Văn hay lẩm bẩm một mình trong lúc phát bài kiểm tra. Trà thì kể cô hay mang sữa chua tự làm đến lớp, nhưng toàn bị lũ bạn xin mất.
Một hôm, tôi gửi cho Trà một bài nhạc không lời. Cô hỏi:
Trà: "Bạn hay nghe kiểu này?"
Thắng: "Ừ. Nhất là khi học bài. Với cả… khi không biết nên nói gì."
Trà: "Vậy gửi cho mình khi nào bạn không biết nói gì nhé."
Tôi ngồi nhìn dòng tin ấy, lòng hơi rung lên như có ai chạm nhẹ vào.
Cô không rõ ràng, cũng chẳng hứa hẹn gì. Nhưng mỗi lần nhắn với cô, tôi thấy lòng mình… bình yên.
Dạo gần đây, tôi và Trà nhắn tin thường xuyên hơn. Vẫn không phải kiểu trò chuyện liên tục cả ngày, nhưng đủ để khi có chuyện vui buồn, tôi nghĩ đến cô đầu tiên.
Một tối chủ nhật, trời đổ mưa lớn. Tôi gửi cho cô một ảnh: góc phòng tôi – sách vở bày lộn xộn, bên cạnh là cốc mì tôm và tai nghe vẫn đang phát một bản lo-fi nhẹ.
Thắng: "Mưa thế này, buồn ghê."
Trà: "Mưa đâu phải lúc nào cũng buồn."
Thắng: "Ừ, có khi cũng là lý do để trốn học."
Trà: "Hay là lý do để ở nhà mà nghĩ ngợi."
Thắng: "Nghĩ gì?"
Trà: "Về những điều không biết gọi tên."
Tôi ngập ngừng vài giây rồi gõ tiếp:
Thắng: "Bạn có hay nghĩ về gia đình không?"
Trà: "Cũng có. Nhất là khi thấy ảnh cũ. Còn bạn?"
Thắng: "Tôi có một chị gái. Hơn 10 tuổi. Lấy chồng xa rồi, nên giờ nhà chỉ còn tôi với bố mẹ."
Trà: "Có buồn không?"
Thắng: "Hồi nhỏ hay buồn. Vì chị thương tôi lắm. Hay mua đồ ăn vặt, hay mắng thay mỗi lần tôi làm vỡ cái gì đó trong bếp."
Trà: "Giờ vẫn thương mà."
Thắng: "Ừ, nhưng khác rồi. Có lúc tôi thấy nhà trống hơn. Mà chắc tại tôi lớn thôi."
Cô không trả lời ngay. Một lúc sau, chỉ gửi một sticker con mèo đang ôm gối nằm. Không cần nói gì nhiều, tôi vẫn hiểu.
Một chiều thứ bảy, trời nắng gắt sau chuỗi ngày mưa. Tôi tan học muộn vì ở lại học thêm Toán. Lúc dắt xe ra cổng, tôi chợt thấy Trà đang đứng cạnh chiếc Cub quen thuộc, tay che trán, mặt nhăn nhó.
Tôi đi chậm lại:
– Xe hỏng à?
Trà quay sang, bất ngờ nhưng không ngại.
– Ừ… chắc hết xăng. Mình tính dắt ra ngoài đổ, mà nắng quá.
Tôi suy nghĩ một giây, rồi chìa tay:
– Thôi để mình dắt hộ. Rồi tiện đổ luôn cho.
Trà lưỡng lự, rồi gật đầu.
Chúng tôi cùng dắt xe ra ngoài trường, tiếng trò chuyện lẫn trong nắng chiều. Đến cây xăng đầu đường, cô rút ví tính trả, nhưng tôi giơ tay cản.
– Lần sau mời tôi trà đào là được.
Trà bật cười.
– Ghi sổ nhé.
– Sổ dài lắm đấy.
Tôi không biết có phải nắng làm mặt mình đỏ không, nhưng tim thì chắc chắn đang đập nhanh hơn thường lệ.
Một tối nọ, khi tôi đang nhắn vu vơ về chuyện trên lớp, Trà gửi cho tôi một tấm ảnh. Là ảnh cô và một bé gái tầm lớp 6, đang chơi UNO trên bàn học.
Trà: "Em mình. Tên là Bống."
Thắng: "Trông giống bạn ghê."
Trà: "Người ta bảo em xinh hơn. Nó được chiều hơn nữa."
Thắng: "Gia đình bạn vui nhỉ. Mình cứ tưởng bạn là con một."
Trà: "Không đâu. Nhà mình vui kiểu lặng. Ba mẹ thoải mái lắm, không ép gì cả. Mình học vì mình muốn thôi."
Thắng: "Lúc trước bạn nói mệt, mình cứ tưởng bị áp lực từ ba mẹ."
Trà: "Không. Mệt vì đôi khi mình muốn làm mọi thứ thật tốt, nhưng lại không biết mình giỏi gì."
Thắng: "Ừ… mình hiểu. Mình cũng hay có cảm giác vậy."
Chúng tôi im lặng một lúc. Tôi nhìn ảnh Trà và Bống – hai chị em cười rất tươi, căn phòng nhỏ mà ấm cúng. Nó khiến tôi nhớ đến căn phòng bên hông nhà, nơi chị tôi từng ở. Giờ trống, chỉ còn giá sách cũ và bộ ảnh cưới treo lệch một góc.
Tôi nhắn:
Thắng: "Bạn may mắn đấy. Nhà mình cũng vui, nhưng sau khi chị lấy chồng, nhiều lúc mình thấy nhà rộng một cách… lạ."
Trà: "Vậy bạn có thấy cô đơn không?"
Thắng: "Cũng có. Nhưng lâu dần quen."
Một lát sau, cô gửi thêm một tấm ảnh nữa – ảnh một bức tranh vẽ bằng màu nước: hai cô gái đi dưới mưa, một người đang che ô cho người còn lại.
Trà: "Em mình vẽ tặng. Mình giữ bên bàn học."
Thắng: "Đẹp. Nhìn tranh này thấy… nhẹ lòng."
Trà: "Ừ. Đôi khi mình cũng chỉ cần ai đó che ô dùm một lúc thôi."
Tôi không nhắn lại. Nhưng câu ấy cứ quanh quẩn trong đầu tôi mãi.
Chúng tôi lên lớp 12 vào một ngày nắng chói chang, tiếng ve sớm hơn mọi năm như thể mùa hè năm nay sẽ gấp gáp hơn bình thường.
Lịch học kín từ sáng tới tối, thi thử nối tiếp thi thật. Tôi và Trà không còn nhắn nhiều như trước, nhưng vẫn dõi theo nhau – lặng lẽ, không cần phải nói ra.
Hôm đó, trời mưa bất chợt. Mưa như trút, chẳng báo trước, đúng kiểu mưa tháng Tư – gấp gáp, ồn ào.
Tôi đang đứng trú mưa ở mái hiên gần cổng trường thì thấy Trà. Cô vừa dắt xe ra khỏi lớp, không áo mưa, không dù – chỉ có chiếc balo nhỏ buộc sát lưng. Gương mặt bình thản, dù tóc đã bắt đầu ướt.
Không nghĩ gì nhiều, tôi chạy đến.
– Này, đợi chút!
Cô quay lại, hơi ngạc nhiên.
Tôi chìa áo mưa ra, chỉ có một cái.
– Mình chở bạn về.
Trà nhìn tôi vài giây. Rồi gật.
Trên đường về, tôi không nói gì. Cô cũng im lặng. Mưa ào qua hai bên vai, gió lùa vào lớp áo mỏng. Nhưng giữa tất cả những tiếng ồn ấy, tôi nghe được nhịp tim mình rõ ràng hơn bao giờ hết.
Cô ngồi sau, không tựa hẳn vào tôi – chỉ đủ gần để cảm nhận được hơi thở ai kia đang chậm lại.
Đến cổng nhà Trà, cô không xuống vội. Chỉ nói nhẹ:
– Cảm ơn… vì đã che ô giúp mình hôm nay.
Rồi đi vào, không ngoảnh lại.
Một tuần sau là ngày chụp kỷ yếu.
Sân trường rộn ràng tiếng gọi nhau, áo dài trắng lấp lánh dưới nắng. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy Trà thật khác – không còn là cô gái hay ngồi lặng ở cửa sổ, không còn chỉ là cái tên hiện lên trên Messenger lúc nửa đêm.
Cô xinh đẹp theo cách khiến người ta nghẹn lời.
Tôi chụp cùng nhóm bạn, cười nhiều như thể chẳng có gì đang khiến mình lo lắng. Nhưng ánh mắt thì cứ lỡ chạm vào Trà, mỗi lần như thế lại muốn kéo thời gian chậm lại.
Cuối buổi, khi các nhóm bắt đầu rời đi, tôi cố tách khỏi đám đông và bước lại gần cô.
Tôi định nói. Định kể hết – rằng từ lâu rồi tôi đã để tâm, rằng có những lần chỉ cần tin nhắn "chào" từ cô là đủ để tôi thấy một ngày đáng nhớ.
Nhưng rồi tôi chỉ hỏi:
– Bạn có định học xa không?
Trà nhìn tôi, ánh mắt không rõ buồn hay bình thản.
– Có thể… Sài Gòn.
– Xa thật.
– Ừ. Nhưng dù gì, mình cũng sẽ nhớ những ngày ở đây.
Tôi cười. Không biết phải nói gì thêm. Trong đầu, hàng trăm chữ nhảy nhót – nhưng chẳng có chữ nào bước ra được.
Cô quay đi, tay vẫy nhẹ chào.
Tôi đứng lại, nhìn theo.
Có những điều nếu không nói ra, mãi mãi sẽ chỉ là "gần như đã nói".
Sân trường ngày hôm đó rợp cờ hoa và bóng bay trắng. Những bài hát quen thuộc vang lên từ loa, khiến cả không gian vừa rộn ràng vừa chênh vênh lạ thường. Học sinh tụm năm tụm ba, gấp những cánh hạc giấy, ghi lời chúc sau cùng vào lưng áo nhau, những tiếng cười vang lên, nhưng đâu đó vẫn nghe được tiếng nghẹn.
Tôi và Chiến đứng cạnh nhau ở hàng cuối cùng. Áo sơ mi trắng được là phẳng phiu, chiếc cà vạt nhỏ xíu buộc lỏng lẻo. Cả hai im lặng, ngẩng nhìn dải băng đỏ treo ngang sân: "Trưởng thành – không phải là kết thúc, mà là bắt đầu."
Chiến khẽ nói, mắt không rời hàng cây cuối sân:
– Mày tính thi đâu?
Tôi đáp, giọng nhẹ tênh:
– Bắc Ninh. Công nghệ thông tin. Bố mẹ tao muốn gần nhà.
– Ừ… tao thì định thử Bách Khoa. Xa tí, nhưng chắc hợp hơn.
Chúng tôi không nói gì thêm. Chỉ đứng đó, trong âm thanh của trống lặng và tiếng thở dài ngắn của lũ bạn xung quanh.
Tôi ngẩng đầu, bất chợt thấy Trà. Cô đứng cách vài hàng ghế, bên cạnh nhóm bạn gái – tà áo dài trắng bay nhẹ theo gió, ánh nắng xuyên qua kẽ lá hắt lên gương mặt quen thuộc. Cô vẫn im lặng như mọi khi, chỉ là hôm nay, trong cái im lặng ấy có gì đó khiến tim tôi đau nhói.
Tôi muốn chạy đến. Muốn gọi cô lại. Muốn nói rằng: "Tớ thích cậu… từ mùa Euro năm ấy." Nhưng tôi chỉ bước một bước, rồi đứng yên.
Giọng thầy hiệu trưởng vang lên: "Các em thân mến, từ ngày mai, các em sẽ không còn là học sinh Lang Quân nữa…"
Mọi người bắt đầu đứng dậy, gấp lại bảng tên, lưu giữ những mảnh cuối cùng của thời học sinh.
Buổi lễ kết thúc. Sân trường như trống rỗng sau những bước chân rời đi. Tôi bước ra cổng, đúng lúc thấy Trà đang đi phía trước – bóng cô nhỏ lại giữa những hàng người chen ra ngoài.
Tôi cất tiếng, rất khẽ:
– Trà…
Cô quay lại. Ánh mắt gặp tôi, mềm như nắng chiều muộn.
Tôi mỉm cười. Cô cũng cười. Không ai nói gì.
Rồi cả hai quay đi.
Cô rẽ trái. Tôi rẽ phải.
Hai hướng khác nhau.
Giữa sân trường đầy nắng, có một điều đã không kịp nói ra.
Trà vẫn vậy – trầm, dịu, và có ánh nhìn mà tôi chưa bao giờ giải thích được vì sao lại khiến người ta thấy vừa an lòng, vừa chênh vênh.
Chúng tôi ngồi cạnh cửa sổ, tách trà tỏa khói nhẹ. Không có câu chào khách sáo. Không "lâu rồi không gặp". Cả hai đều hiểu, nếu còn phải vòng vo, thì cuộc gặp này chẳng để làm gì.
Tôi khẽ hỏi:
– Cậu còn nhớ hôm chụp kỷ yếu không?
Trà gật nhẹ, mắt nhìn xa xăm:
– Nhớ. Hôm đó trời nắng gắt lắm… Còn nhớ cả ánh mắt bạn nhìn mình nữa.
Tôi bật cười, hơi bất ngờ:
– Vậy mà mình cứ tưởng cậu không để ý.
– Không để ý sao lại nhớ?
Chúng tôi im lặng một lúc.
Trà nhấp một ngụm trà rồi nói, không nhìn tôi:
– Mình đã từng chờ bạn nói gì đó. Không phải tỏ tình đâu, chỉ cần một câu thật lòng.
Tôi nắm lấy quai ly, tay hơi siết.
– Mình có rất nhiều điều muốn nói… nhưng lúc ấy cứ nghĩ, im lặng sẽ an toàn hơn.
Trà khẽ thở ra, ánh mắt vẫn dịu dàng:
– Đôi khi… an toàn là cách khiến người ta lạc nhau mãi mãi.
Ngoài trời, tiếng mưa bất chợt rơi xuống mái tôn – nặng hạt và bất ngờ, như tất cả những điều không nói ra của chúng tôi.
Tôi đứng dậy, không nói gì, bước ra ngoài cửa quán. Mưa táp vào má, lạnh và thật.
Tôi mở ô. Rồi lại từ từ hạ xuống.
Để mưa rơi. Để ướt. Để những ký ức không còn trốn trong lòng nữa mà thấm qua da, chạy vào tim.
Tôi ngẩng lên nhìn trời.
Mưa không níu nổi người, nhưng đủ khiến người ta đứng lại.
Ở trong quán, Trà vẫn ngồi yên, không gọi tôi vào, cũng không bước ra.
Giữa tiếng mưa, tôi nghe rõ lòng mình hơn bao giờ hết.
Mình đã từng nghĩ… im lặng là an toàn. Là trưởng thành. Là giữ lấy điều đẹp nhất trong lòng để khỏi phải hối hận nếu mọi thứ không như mong đợi.
Nhưng đứng đây, dưới cơn mưa đầu mùa, mới nhận ra: điều đẹp nhất không phải là giữ lại… mà là dám để nó thành thật.
Mình thích cậu. Từ cái hôm cậu nhìn mình qua vai người bạn, từ những tin nhắn về bóng đá, từ cách cậu cột tóc bằng dây thun vội vàng mỗi sáng đi học.
Thích – theo cái kiểu mà bao nhiêu năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại, tim vẫn đập chậm một nhịp.
Mình không biết nếu khi ấy nói ra, mọi chuyện sẽ ra sao. Nhưng có lẽ… không nói, lại là điều mình day dứt nhất.
Mình đã đi qua thanh xuân, mang theo bóng lưng cậu như một thói quen cũ. Và giờ, khi được ngồi cạnh lại, được nghe giọng cậu không qua màn hình điện thoại… mình vẫn không thể nói.
Mình nghĩ… có những người, đến và ở lại trong ta, không phải để yêu, mà để mình học cách không bỏ lỡ lần nữa.
Mưa bắt đầu nhẹ hạt. Gió bớt lạnh. Tôi đưa tay lên vuốt tóc ướt, quay đầu lại. Trà vẫn ở đó – ánh đèn trong quán phủ lên cô một lớp sáng dịu dàng. Cô không vẫy, không gọi… chỉ mỉm cười, đủ để tôi biết: cô đã hiểu tất cả.
Và như vậy… cũng đủ rồi.
Tôi đứng đó một lúc, dưới cơn mưa vừa tạnh, nghe lòng mình cũng dịu đi như bầu trời sau giông.
Không ngoảnh lại.
Tôi quay lưng, bước đi – không chần chừ, không vương vấn.
Trà vẫn ở đó, phía sau cánh cửa kính, bên trong một quán trà nhỏ nằm giữa thị trấn Du Vân. Vẫn là cô – dịu dàng, tĩnh lặng, và mãi mãi là một phần trong những câu chuyện đẹp nhất thời thanh xuân của tôi.
Tôi không cần gặp lại nữa.
Vì tất cả đã ở nguyên trong lòng – và lần này, không còn gì chưa nói.
Có những người đến không để đi cùng ta cả đời, mà chỉ để dạy ta biết cách yêu một điều gì đó thật lòng. Và khi họ rời đi, ta biết rằng: mình đã từng may mắn.
Tôi bước đi, qua những con phố nhỏ, qua mùa hè đã chớm, mang theo ánh nắng nhẹ của một ngày sau mưa.
Không phải chia tay.
Chỉ là… tôi đã lớn.