Sơn Nam đã dành trọn một ngày thứ Bảy chỉ ở lì trong phòng trọ. Cậu không thèm bước chân ra ngoài đường để tập trung làm nốt đám hoa giấy trang trí lớp - cho Sự Kiện Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10.
Mỗi một bông hoa giấy thành hình, một cảm giác ‘rất đã’ lại dấy lên trong Sơn Nam. Cậu nhìn đống sản phẩm đã hoàn thiện 80% so với kế hoạch mà sung sướng trong lòng.
Với một người hướng nội thì tìm được một lý do chính đáng để ở nhà là hạnh phúc nhất.
Sơn Nam vẫn nhớ cậu và em trai Sơn Việt đã thoải mái ra sao khi ‘được’ ở nhà - vào quãng thời gian mà cả nước phải giãn cách xã hội - do dịch COVID-19 hoành hành.
Năm ấy, Sơn Nam 13 tuổi, còn Sơn Việt chỉ mới 11 tuổi. Thằng nhóc Sơn Việt đã bắt đầu tập tành viết lách.
Gần một năm trời, Sơn Việt chìm đắm trong thế giới của những hiệp sĩ, phù thủy, halfling và elf, orc mà nó tạo ra. Thằng nhóc vốn là fan cuồng của thể loại truyện fantasy phương Tây và thế giới quan của tiểu thuyết gia Tolkien.
Nó đã viết một bộ tiểu thuyết - dài đến chục quyển vở - quyển nào cũng đầy chữ là chữ. Sơn Nam cũng bị cuốn theo tinh thần lạc quan và trí tưởng tượng của Sơn Việt.
Lúc ấy, độc giả duy nhất của Sơn Việt chỉ có Sơn Nam - cũng là hoạ sĩ minh hoạ cho tiểu thuyết của Sơn Việt. Cứ độ chục trang viết của Sơn Việt thì có 1 tranh minh hoạ chì của Sơn Nam.
Nhưng bây giờ, Sơn Nam chẳng còn nhớ nội dung của bộ tiểu thuyết ấy nữa. Như thể ký ức của cậu đã bị vỡ vụn theo những trang giấy - bị xé tan nát, bị đốt thành tro bụi - khi ba mẹ phát hiện ra dự án của hai anh em.
“Chúng mày nói xem có nhà văn hay hoạ sĩ nào ở Việt Nam này giàu không?”
Hai thằng im lặng, chúng không thể cãi được gì khi ba quát vào mặt cả hai. Chúng còn quá nhỏ để tìm ra lý luận bảo vệ cho ước mơ của mình.
“Không có viết hay vẽ gì hết! Tao không chấp nhận nhà này nảy nòi ra văn sĩ hay hoạ sĩ. Con tao - không đứa nào - được phép mơ mộng, phù phiếm. Tìm việc gì có ích mà làm! Nghe chưa?”
Sơn Nam thì đã sớm bỏ cuộc. Cậu không còn dám vẽ ở nhà nữa. Cậu chỉ dám vẽ trong giờ Mỹ Thuật ở trên lớp học. Và Sơn Nam chỉ bộc lộ kỹ năng vẽ vừa đủ qua môn, chứ không dám vẽ với khả năng thực sự của cậu.
Còn Sơn Việt đã khóc ròng - như một đứa con nít - vào cái hôm mà tác phẩm tâm huyết của nó bị phá hủy.
Tưởng chừng như Sơn Việt cũng bỏ cuộc. NHƯNG KHÔNG. Sơn Việt vẫn rất kiên định. Nó bất chấp những quyển vở bị xé, những trang giấy bị đốt, những lời mắng mỏ mạt sát.
Sơn Việt vẫn tiếp tục viết - dù Sơn Nam không còn dám đọc tiểu thuyết của nó hay vẽ minh hoạ cho nó nữa.
Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, trường học được mở lại, Sơn Việt đã rất chăm chỉ đến trường. Nó tận dụng phòng máy tính ở trường để gõ lại tiểu thuyết đã viết - dựa theo trí nhớ. Rồi nó đăng tải tác phẩm hàng ngày lên rất nhiều nền tảng tiểu thuyết online. Lần này chẳng ai xé hay đốt tác phẩm của nó được nữa.
Cuối cùng, chính ba mẹ phải bỏ cuộc trước Sơn Việt. Ba mẹ để mặc nó được làm những gì nó thích. Nhưng ba mẹ lại suốt ngày so sánh những thành tích trong học tập mà Sơn Nam đạt được với kết quả học tập sa sút của Sơn Việt.
Để rồi giữa hai anh em như hình thành một khoảng cách vô hình. Từ đó, chúng chẳng còn nhiều chuyện để mà trao đổi với nhau.
Cái hố càng trở nên rộng hơn khi Sơn Nam nhận được học bổng toàn phần của trường Harmony và đến thị trấn Nhân Hòa để trọ học.
Sơn Nam thở dài.
Vào thời gian đầu, lúc mới đến sống tại thị trấn Nhân Hòa, Sơn Nam cảm thấy khá hối hận - vì lần đầu phải xa nhà, phải sống tự lập ở tuổi 16.
Nhưng giờ thì sao nào?
Ở đây - trong căn phòng trọ 15m vuông. Sơn Nam tha hồ bày đồ thủ công và ngồi cắt dán cả ngày một cách công khai. Mà có lý do chính đáng để làm việc này hẳn hoi.
Sơn Nam đã nhận ra quy luật trao đổi trong cuộc sống. Người ta chỉ có thể được tự do - khi người ta chấp nhận được sự đơn độc.
Tất nhiên, sự tự do của Sơn Nam hiện tại chỉ là tương đối. Cậu vẫn chưa đến tuổi trưởng thành. Và hiện cậu vẫn phải dựa vào trợ cấp tài chính hàng tháng từ gia đình.
Nếu cứ tiếp tục như hiện tại thì Sơn Nam sẽ phải chọn một trường Đại Học theo định hướng của ba mẹ. Ba mẹ luôn muốn hướng cho Sơn Nam và Sơn Việt làm nghề gì mà kiếm ra thật nhiều tiền như là lập trình viên chẳng hạn.
Nhưng nhiều tiền có thật sự hạnh phúc không?
Thật khó để biết được điều đó vì gia đình Sơn Nam xưa nay chỉ thuộc tầng lớp thường thường bậc trung.
Do vậy, học bổng toàn phần của Đại Học Quốc Tế Symphony thực sự hấp dẫn. Nó hứa hẹn những năm tháng trưởng thành được tự chủ chọn lựa nghề nghiệp của Sơn Nam sau này.
Cơ mà quay lại thực tại, Sơn Nam cần phải kiếm học bổng của trường PTTH Harmony cho năm học lớp 12 trước đã.
Sơn Nam biết tính toán vậy là hơi bị lo xa quá. Nhưng một khi đã thích thú với cuộc sống tự do như hiện tại thì cũng nên cố gắng mà giữ được nó.
Sơn Nam đứng dậy và vươn vai.
Cái cột sống gen Z của Sơn Nam phát ra âm thanh răng rắc khi cậu vặn người qua phải rồi lại qua trái.
Bây giờ Sơn Nam mới sờ đến điện thoại, cậu cảm thấy hoa hết cả mắt vì một đống thông báo từ các app khác nhau hiện ra.
Sơn Nam kiểm tra Zalo.
Chỉ có mấy thông báo về thời tiết và tin tức linh tinh.
Không thấy ba mẹ nhắn tin gì cả. Hẳn là ba mẹ vẫn giận Sơn Nam vì để lỡ kỳ thi tuyển vào đội tuyển học sinh Giỏi Toán của trường Harmony.
Vậy nên, Sơn Nam hy vọng thằng Sơn Việt tiếp tục được đối xử ngọt ngào bởi ba mẹ trong thời gian này. Dù sao Sơn Việt cũng chỉ mới 14 tuổi. Ngoài sự bướng bỉnh và ẩm ương của tuổi dậy thì, Sơn Việt còn có cái tính nhạy cảm của bọn nghệ sĩ nữa.
Sơn Nam mở Telegram lên.
Cậu thấy mình vừa được add vào một đống nhóm chat trên Telegram.
“Harmony Showbiz”
“Harmony Music Club”
“Let’s Dance 2025”
Sơn Nam kiểm tra qua thông tin của tất cả các nhóm mà cậu vừa bị add. Cậu cũng đọc qua những tin nhắn trong từng nhóm để nắm rõ tình hình.
(Ừm… Thật phiền phức!)
Harmony Showbiz là nhóm của tất cả những học sinh trường Harmony - mà có biểu diễn nghệ thuật - bất kể hình thức. Ví dụ như âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh, hài độc thoại, xiếc và ảo thuật. Có cả trình diễn thời trang và những cuộc thi nhan sắc. Hệt như một showbiz thu nhỏ vậy.
Harmony Music Club là nhóm riêng của những học sinh chuyên biểu diễn âm nhạc. Nhóm này ôm trọn ca sĩ, nhạc công, dàn hợp xướng, đội kèn, đội trống, đội nhảy. Bất kể ai hay cái gì phát ra âm thanh theo giai điệu - đều thuộc về Câu lạc bộ Âm Nhạc - đúng như lời Quang Đức nói.
Còn Let’s Dance 2025 là nhóm của đội nhảy mới toe - được thành lập riêng cho Sự Kiện Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10.
Theo như Sơn Nam đọc qua thông tin từ nhóm chat Harmony Music Club thì trường Harmony vốn cũng đã có một đội nhảy chuyên nghiệp. Nhưng Let’s Dance 2025 yêu cầu hình thể các vũ công nam phải cao từ 1m75 trở lên - để chiều mắt các khán giả nữ.
Rất ít thành viên trong đội nhảy hiện tại đáp ứng được yêu cầu đấy - các chàng trai vẫn đang trong độ tuổi phát triển mà. Nên Let’s Dance 2025 thành lập và quy tụ toàn gương mặt mới tinh - như Sơn Nam vậy.
Sơn Nam thấy tên mình được tag theo một tin nhắn trong nhóm chat Let’s Dance.
“Hi mọi người! Đây là thành viên mới của đội nhảy: Dương Sơn Nam 11D.”
Admin nhóm ngoài gửi lời chào, còn đăng một cái ảnh rõ ngố của Sơn Nam lên nhóm.
“Chào mọi người. Rất vui vì được tham gia đội nhảy Let’s Dance 2025. Mong mọi người giúp đỡ mình nhé.”
Sơn Nam vội nhắn gửi một câu chào tới nhóm.
Chỉ có mỗi admin, anh Vũ Chí Anh - hình như là một đàn anh lớp 12C - có thả icon like, icon tim vào lời chào của Sơn Nam.
“Lịch tập với Biên Đạo là từ 16h30 đến 18h các ngày Thứ Hai, Thứ Tư, Thứ Sáu hàng tuần. Nhưng buổi Thứ Hai tuần tới sẽ chuyển lịch sang Thứ Ba. Vì Thứ Hai là Ngày Trung Thu rồi.”
“Anh gửi MV ‘Kiss you, Bite you’ của nhóm nhạc Crimson Veil. Mọi người xem kỹ để học tập thần thái của họ nhé. Còn các động tác nhảy thì sẽ có Biên Đạo chỉ dạy, nó sẽ khác với trên MV chút.”
“Đừng lo vì nhóm nhảy Let’s Dance 2025 toàn người mới nhảy lần đầu thôi - trừ anh - ha ha ha.”
Hàng đống icon ha ha, icon tim được các thành viên nhóm Let’s Dance thả vào tin nhắn của anh Chí Anh.
Sơn Nam mở MV ‘Kiss you, Bite you’ mà anh Chí Anh vừa gửi lên.
Trời ơi! Âm nhạc của Crimson Veil hoàn toàn không hợp gu của Sơn Nam một chút nào luôn.