Lần buôn này không có nhiều người, phần vì chuyến này đi gần. Phủ Thái Bình là vùng giáp với biển Đông, muốn đi tới phủ Thường Tín thì phải đi mất gần mấy ngày liền.
Trời còn chưa sáng Vũ Điền đã bị đánh thức dậy. Anh còn đang ngái ngủ thì đã bị người nào đó kéo dậy.
Trước hôm đi buôn một ngày Vũ Điền phải kiểm tra lại lô rượu lần đó, đảm bảo Hợp Xuân không gặp vấn đề gì, tối đó thì ngủ ở nhà của Trần Văn Đắc. Chỗ anh nghỉ là gian phòng nhỏ đối diện với phòng của Văn Đắc, là phòng dành cho khách. Nhưng tối đó lại có người không chịu yên phận, giữa đêm lén lút chui sang.
Giường thì nhỏ, còn nhỏ hơn cả cái giường đơn của Vũ Điền. Thế nhưng người nọ lại vừa lớn vừa cao to, hai người chen chúc khiến Vũ Điền chẳng thể nào ngủ được. Sáng sớm hai mắt thâm quầng.
Giữa canh Dần đã chuẩn bị lên đường rồi.
Trời tối, chỉ lập loè ánh đèn đuốc cam cam đỏ đỏ của mấy người làm cùng chuyến buôn ngày hôm đó tới Thường Tín.
Ông Lợi lo Trần Văn Đắc sẽ quên này quên kia nên sớm vậy cũng dậy dặn dò." Để con đi một mình thế này tuy thầy có không yên tâm, nhưng ý u con đã vậy rồi thì thầy cũng không sao cãi được." Ông nói:" Đắc này, Điền nó đi theo thì để ý tới nó chút, đừng có bắt nạt người ta như ở nhà đấy. Thầy nói có nghe không... Rượu của nhà họ Vũ con cứ lại chỗ ông Thiên phú hộ vùng đó, ông ấy là mối làm ăn của nhà mình, nhớ đấy! Xe chỗ thằng Tý kêu nó với người làm ra chợ huyện ở mấy vùng, phần còn lại chỗ con thì cứ làm như thầy hay làm là được."
Ông Lợi dặn dò rất kĩ, dẫu cũng là lần đầu chàng đi buôn mà không có ông, thân là thân phụ thì sao mà không lo.
Nói rồi ông lại quay sang Vũ Điền đang đứng đằng sau còn ngáp ngắn ngáp dài, nói:" Có gì con làm quen với ông phú bên đó đi. Dù sao thì cũng là người nhà họ Vũ mà, ông ấy thích Hợp Xuân nhà con lắm đấy, lần nào cũng đặt một lô lớn xong còn phân phối ra khắp nơi nữa. Người ta cũng coi như có công giúp rượu nhà con ghi danh đấy!"
Vũ Điền nghe xong chỉ gật đầu, xong nói:" Con có nghe thầy nói qua về ông ấy với Nghĩa rồi. Nhưng cái đó sau này vẫn là để Nghĩa gặp người ta thì thuận hơn bác ạ."
Ông Thiên là phú hộ ở một huyện vùng Phủ Thường Tín, nhà giàu có, em gái của ông ta làm lẽ cho gia đình nhà an phủ sứ mới. Vợ cả nhà ông ta cũng là con gái của tri lộ mới nhận chức vùng đó. Ít nhiều liên quan tới cái người kia, Vũ Điền không muốn dính dán gì đống rau mơ rễ má đấy. Chuyện ân oán đời trước cũng ngại dấn thân vào để tránh hoạ cho mình, ân oán đời trước dẫu qua cũng qua rồi, nhưng thù cỡ đó đương nhiên sẽ gây sức ép không ít cho bản thân Vũ Điền sau này. Không dính dáng tới chính là cách tốt nhất.
Ông Lợi nghe vậy, lại cộng thêm sắc mặt của Vũ Điền khi nhắc đến vậy thì chợt hiểu. Anh đã biết chuyện ân oán của nhà họ Vũ khi xưa rồi, nếu vậy thì không khoa trương sẽ tốt hơn nhiều. Nên ông bảo:" Ta hiểu con lo lắng cái gì. Thôi thì cứ nói với người ta một tiếng, bảo là nghĩa tử của ta là được." Nói rồi nhìn Trần Văn Đắc và mọi người, dặn:" Có gì mấy đứa giúp đỡ hai đứa giúp ông. Chuyện cậu Vũ thì cứ bảo là nghĩa tử của Đình Lợi ta là được, chớ có lỡ mồm lỡ miệng."
...
Khi trời tản sáng là đã đi khỏi Đồng Diên được mấy mươi dặm rồi. Vì đi xa, đường đất khó đi nên đoàn buôn đều cưỡi ngựa mà đi, con nào con nấy đằng sau có một cái xe kéo phía sau, chỉ riêng con của Vũ Điền là không. Cũng vì thế mà anh đi nhanh hơn mọi người nhiều, có đoạn còn phải ghì cương cho ngựa đi chậm lại cho bằng với tốc độ của Trần Văn Đắc đang đi đầu.
Từ văn tới võ cả hai người họ đều học chung thầy dạy. Cưỡi ngựa cũng là thầy dạy võ dạy cho.
Khắp dọc đường Vũ Điền luôn rất thích thú nhìn dọc nhìn ngang, cười rất vui vẻ. Anh thích cưỡi ngựa băng qua những nơi tuyệt đẹp, nhưng làng Văn không rộng như thế cho anh cưỡi ngựa. Xã Đồng Diên còn chẳng có nổi bãi đất nhỏ cho anh đi. Thế nên sự yêu thích này đành giấu trong lòng, chỉ có Trần Văn Đắc biết anh thích.
Thầy dạy võ cho bọn họ là một hiệp khách kì lạ. Ông không xưng tên, cũng không thành gia lập thất, dạy cho hai người họ võ công của mình rồi lại bạt vô âm tín chẳng biết ở nơi nào. Ông ấy vẫn luôn là một bí ẩn với người ở đây, lặng lẽ xuất hiện, cũng lặng lẽ rời đi. Thế nhưng hai người họ tin tưởng ông ấy vẫn sống tốt, người như ông quá kì lạ, sẽ không hợp với nơi này.
Năm mười sáu tuổi Vũ Điền và Trần Văn Đắc có từng gợi ý cho thầy tới phía Đông của huyện Thanh Lan, ở đó có biển, là một nơi yên bình phù hợp với ông ấy. Nhưng ông ấy lại nói không muốn. Biển quá ồn ào, ông ấy muốn tới nơi núi đồi trù phú, phiêu diêu tự tại như mây trắng giữa trời quang.
Trần Văn Đắc nhìn Vũ Điền cười vui vẻ liền không kìm được vui lây, chàng mỉm cười, hỏi:
" Thích vậy sao?"
Vũ Điền quay lại, trả lời:" Ừ, chưa bao giờ ta được đi xa như vậy!"
Anh cưỡi ngựa sóng vai bên cạnh Trần Văn Đắc, chút mệt mỏi cũng coi như tiêu tán đi không ít.
" Thầy từng nói núi non Đại Việt rất đẹp, cũng hùng vĩ vô cùng. Nơi xa nhất ta từng đi là nhà của nhị thúc bên huyện Quỳnh Côi, chưa từng rời khỏi phủ Thái Bình nên không biết những lời thầy nói có đúng hay không... Nhưng nay ta thấy rồi, tuy chỉ là một phần nhỏ, vậy cũng đáng để chiêm nghiệm rồi!"
Trần Văn Đắc cười:" Ông ấy nói không sai đâu, nếu như tự tại như ông ấy, ta cũng muốn đi khắp nơi ngắm nhìn Đại Việt hùng vĩ thế nào."
Vũ Điền nghiêng đầu ra phía xa xa, hỏi:"Ở phủ Thường Tín có núi đồi không?"
Trần Văn Đắc nhìn theo hướng anh, đáp: "Không có."
Vũ Điền:" Vậy sẽ không có khả năng gặp được thầy đâu, ông ấy nói ông ấy muốn tới nơi đồi núi mà!"
Trần Văn Đắc cười rộ lên:" Biết đâu được, may ra có khi gặp được đấy. Nếu chịu ở yên một chỗ thì không phải thầy đâu."
Nói rồi cả hai đều cười phá lên, sóng vai mà bước tiếp như chẳng có chuyện gì vướng bận.
Nơi bọn họ đi qua lúc này là một con đê khá cao, bên dưới có một dải đồng xanh trải dài bát ngát. Vũ Điền nhìn xuống dưới cánh đồng, nói:" Lúa ở Thanh Lan cũng lớn, cũng xanh tầm này rồi, chững chắc hơn vài tháng nữa là có thể thu hoạch được rồi! Mấy năm này mùa màng của bà con thuận lợi, ta thấy cũng vui theo."
Men theo tia nắng liếc nhìn qua nụ cười trên môi Vũ Điền, Trần Văn Đắc ngắm nhìn anh. Sương sớm còn đọng lại trên cành lá, long lanh ánh sáng lấp lánh trong ánh trời ban mai buổi bình minh. Chàng cười rồi tháo nón trên đầu mình xuống, đội lên đầu Vũ Điền.
" Nếu đệ thích thì hôm nào ta lại dẫn đệ đi. Sương sớm hại lắm, đội nón lên, đệ mới ốm dậy phải biết giữ gìn sức khỏe vào, bệnh lên ra đấy ta không biết ăn nói sao với ông Định đâu !"
Vũ Điền gật đầu, trên môi vẫn luôn hiện hữu nụ cười rạng rỡ. Nói không ngoa nhưng Trần Văn Đắc rất thích nhìn dáng vẻ của Vũ Điền khi cười. Anh vốn đã rất đẹp rồi, khi cười lên lại chính là cái dáng vẻ hút hồn người như thế này. Bảo sao bản thân Trần Văn Đắc chàng lại có nhiều tình địch như thế! Cũng may Vũ Điền rất hiếm khi cười, ở Đồng Diên ai mà không biết cậu Vũ lãnh đạm thiện lành lại lạnh lùng như con nước mùa Đông thế này. Tiếc là Đại Việt không có băng tuyết, nếu có thì có thể nói tới hình ảnh của băng tuyết Côn Lôn để hình dung.
Hiếm ai thấy được nụ cười của cậu Vũ.
Không phải cười nhạt hay gượng gạo cười mà là cười lên vui vẻ không vướng bận âu sầu. Trần Văn Đắc thúc ngựa, xong nói:" Đệ có biết không, đi qua phủ Thường Tín mấy dặm là sẽ đến thành Thăng Long đấy!"
Vũ Điền quay sang phía chàng, ánh sáng hồng chiếu rọi gương mặt tựa ngọc của anh, đẹp hơn cả bình minh buổi sớm mai. Anh cười: "Vậy sao? Nếu thế thật thì khi nào ta thi, huynh dẫn ta lên kinh nhé !"
Trần Văn Đắc chẳng thể nào cưỡng lại được người này, chàng đáp:" Được, nhất định năm đó ta phải dẫn đệ đi."
Vũ Điền gật đầu:" Nhớ đấy, chớ được nuốt lời."
Họ băng qua cánh đồng xanh trải dài, trên bầu trời xanh có chin hạc bay lượn tự do, xa xa còn có đàn cò trắng từ phương Nam tránh rét trở về. Áng mây trắng trôi êm đềm lồ lộ sau lũy tre xanh, ánh nắng vàng xuyên thủng từng kẽ lá khi bọn họ băng qua cánh rừng. Cảnh sắc tuyệt đẹp trước mắt là cái Vũ Điền đã tưởng tượng ra trong đầu không biết bao nhiêu lần qua từng lời kể, của rất nhiều người, trong rất nhiều thứ sách.
Chỉ là khi tận mắt chứng kiến lại không nghĩ còn đẹp hơn trong suy nghĩ của chính anh.
Khung cảnh đẹp đến nao lòng như thế nhưng ánh mắt người nọ vẫn luôn không rời người thương nửa bước.
Trong mắt chàng, cảnh vật xung quanh còn chẳng bằng mĩ nhân bên cạnh.
Nhưng là nam tử thì có sao cơ chứ? Anh vẫn là người yêu của Trần Văn Đắc chàng đó thôi, chuyện sau này không tính toán trước được, bây giờ chàng có được người này rồi thì anh chính là của chàng. Dẫu sau này Vũ Điền có buông tay chàng, chàng vẫn sẽ chẳng lấy đó làm niềm đáng tiếc. Bởi có lẽ rằng tiếp đó, sau này những kỉ niệm đẹp bên nhau sẽ là đoạn hồi ức đẹp đáng nhớ nhất của Trần Văn Đắc chàng.
Sống vì hiện tại là cái mà bản thân chàng học được từ người thầy dạy võ cho chàng và Vũ Điền. Nhiệm vụ của chàng lúc này chính là bồi đắp cho khoảng thời gian sắp tới những kỉ niệm đẹp đẽ, rồi cho sau này khi nhìn lại mới không cảm thấy nuối tiếc.
Cho dù sau này người thương chàng có còn yêu chàng nữa hay không, thì chắc chắn rằng người đó vẫn sẽ mãi là người chàng thương, người chàng yêu thật lòng bằng cả phần lớn con tim.
Trần Văn Đắc cười dõi theo người đó.
Để ý tới ánh mắt của người nọ hở chút lại cứ dán chặt vào mình kia, Vũ Điền sai lại không phát giác ra được. Mặc cho chàng nhìn xong lại không chịu được cứ bị người nhìn chằm chằm, chàng quay phắt đầu lại, nói:" Sao huynh cứ phải chằm chằm ta như vậy! Để mấy người phía dưới rồi thằng Tý thấy thì lại không hay chút nào đâu!"
Anh nhắc chàng như thế nhưng người nọ lại có vẻ như chẳng mấy mảy may tới. Chỉ cười rồi đáp:" Họ đi phía sau mà, không để ý đâu."
Vũ Điền thở dài:" Nhưng huynh vẫn phải chú ý đường đi, để lạc đường thì lại hại cả ta và mấy người phía dưới. Vậy lại không hay đâu."
" Ừ, nghe đệ."
Nói rồi lại hướng mắt về đường đi, sơ hở lại liếc nhìn Vũ Điền một cái.
Vũ Điền lười để ý, suốt quãng đường ngắm cảnh chán chê. Chuyến đi này đi, có cảnh đẹp làm màn mở đầu, xem ra cũng không thiệt!
(Lưu ý:Nội dung truyện chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của tác giả.)
____
* Giải thích một chút về cơ quan hành chính cấp địa phương thời Hậu Lê:
Năm 1428, Lê Lợi khi lên ngôi, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, chia đất nước thành 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc (đều ở vùng Bắc Bộ) và Hải Tây (từ Thanh Hóa trở vào). Dưới đạo là trấn, dưới trấn là lộ, dưới lộ là châu và huyện. Cấp hành chính địa phương thấp nhất là xã. Xã lại chia làm đại xã, trung xã và tiểu xã tùy theo số dân.
Đứng đầu chính quyền các đạo là chức hành khiển (phụ trách cả dân sự lẫn quân sự).
Đứng đầu các trấn là các an phủ sứ, các lộ là tri lộ , các châu, huyện là tri châu hay tri huyện, các xã là xã quan (từ thời Lê Thánh Tông đổi thành xã trưởng).