Vị quan phụ trách vụ án ở phủ An phủ sứ này là một vị quan có tiếng ở kinh thành, rất giỏi trong việc điều tra.
Phạm Bá Chi biết ông ấy, hai người từng gặp nhau vài lần.
Lần điều tra này cũng rất suôn sẻ, vừa tròn ba tháng đã đâu vào đấy. Không ai biết, cũng chẳng ai nói Vũ Điền là nghĩa tử của Phạm Bá Chi. Người ta chỉ biết người đốt phủ An phủ sứ là Vũ Điền, một thư sinh mất đi gia quyến, chỉ còn lại một người thúc phụ già ở quê nhà.
Nhưng ông Danh đã mất từ nửa năm về trước vì bệnh nặng, mợ Danh là người đứng ra chịu trách nhiệm.
Nói là mợ, nhưng người đứng sau âm thầm chịu mọi chi trả chính là Phạm Bá Chi, dẫu sao người kia cũng có một số ràng buộc khó nói với ông, ông không thể nào không ra tay.
Bằng chứng về tội trạng của Đỗ Mạnh Cường cũng đã được trình lên trên. Về mặt pháp lí Vũ Điền tuy mang danh trọng phạm, nhưng không bị truy tố sâu. Phần vì giám định người đã chết, phần vì Đỗ Mạnh Cường kia không chỉ là tham quan mà còn âm thầm cấu kết với giặc ngoài.
Bằng chứng là trong đống sổ sách tham nhũng Vũ Điền cho người đem ra, còn có cả một số thư từ qua lại vẫn chưa được xử lí. Cộng thêm số lần giao dịch với đám quân tàn dư phản loạn ở khởi nghĩa Lam Sơn thì lại càng chắc chắn.
Phạm Bá Chi đã suốt một tuần trời chạy qua chạy lại ở bên ngoài mà không về phủ làm bà tri lộ vô cùng lo lắng. Ngay lúc giục Phạm Dư đi tìm thì người về.
Trông Phạm Bá Chi rất mệt mỏi, ông đuổi hết người làm xung quanh, chỉ để lại phu nhân.
"Sang tháng trên kinh sẽ cử một người xuống thế vào ghế An phủ sứ." Ông chống tay lên đầu, sắc mặt rất kém.
Bà tri lộ không mấy bất ngờ, bà thở dài rồi nhích sang chỗ Phạm Bá Chi một tách trà đặc. "Quả nhiên, cho dù không có một Đỗ Mạnh Cường kia thì mình vẫn sẽ không có được cái ghế đó."
"Vậy thì thôi đi, ta cũng chẳng muốn ngồi nữa."
Cứ thế mà Phạm Bá Chi từ bỏ cái ghế An phủ sứ. Chỉ dựa vào thế lục nhà họ Phạm là đủ ngồi vững rồi, ván cờ lần này chỉ là một trò điêu khiển mà thôi. Nhưng việc Vũ Điền đốt phủ An phủ sứ chính là nằm ngoài dự tính ban đầu.
"Đứa trẻ này thông minh lắm, phá cục diện cờ của nàng mà chẳng ai hay biết." Ông nói như bâng quơ, nhưng chỉ phu nhân hiểu không phải bâng quơ.
Bà đáp: "Thông minh tới đâu đi nữa thì đâm đầu vào chỗ chết cũng không thông minh lắm đâu!"
Bỗng lúc này có người gõ cửa. Bà tri lộ giật mình, vội lên tiếng: "Đứa nào đấy? Ông bảo lui hết mà không nghe hả!"
Người bên ngoài cũng giật mình, vội trả lời.
"Dạ thầy, dạ mẹ cả, con là Cẩm Ngọc."
Phạm Bá Chi nhìn phu nhân khẽ nhíu mày, giọng hỏi rất khẽ: "Con Ngọc nó sang đây làm gì, nàng gọi à?"
Bà tri lộ cũng tỏ ra vẻ khó hiểu, nói nhỏ: "Không, ta tưởng mình gọi."
Cả gian phòng trở nên im lặng không một tiếng động. Cẩm Ngọc còn cứ tưởng hai người kia không muốn gặp, định bụng gọi thêm câu nữa, nếu không ai đáp thì xin phép về phòng.
Đúng lúc này cửa chợt mở, phu nhân cười hiền từ nói: ''Con tới đây có việc gì sao?"
Cẩm Ngọc ngó nghiêng một chút mới e dè nói: "Con có chuyện muốn thưa với thầy."
Bên ngoài trời bỗng đổ mưa to, Cẩm Ngọc ngồi đối diện với Phạm Bá Chi, ánh mắt cô cứ đảo qua đảo lại như có gì đó khỏ nói. Ngập ngừng rất lâu mới dám nói: "Thầy ơi, vậy... Cái người kia không phải là huynh trưởng của con sao?"
Rất dễ để nhìn ra trong ánh mắt kia có một tầng tiếc nuối, Phạm Bá Chi khẽ xoa đầu cô, rồi gật đầu.
Những tưởng Cẩm Ngọc tới đây chỉ để nói chút chuyện này, Phạm Bá Chi định sẽ giải thích với người nhà sau, nhưng lại không ngờ rằng tiếp tới Cẩm Ngọc lại nói.
"Thì ra là như vậy, có chuyện này con cần nói với thầy." Nàng mân mê đầu ngón tay mình, tầm mắt dừng lại trên gương mặt ướm vê thời gian của Phạm Bá Chi.
Ngày hôm đó ở đầm sen gần gốc cây liễu lớn, người nghe được toàn bộ cuộc nói chuyện của Hoài An và Vũ Điền chính là Cẩm Ngọc. Nàng thấy người nọ và Hoài An đi chung với nhau, giữa đêm cô nam quả nữ ngoài chuyện kia ra thì còn chuyện gì. Những tưởng có thể bắt gian tại trận, ai mà ngờ mọi chuyện lại không như vậy.
Kế hoạch cho người đốt phủ An phủ sứ của Hoài An và Vũ Điền đã lọt hết vào tai Cẩm Ngọc.
Cả Phạm Bá Chi và phu nhân Ngọc Lan cũng bất ngờ chẳng kém gì Cẩm Ngọc khi đó.
"Tiếc thật đó, thoạt nhìn huynh ấy đẹp như vậy mà... Trước đây nhìn huynh ấy không giống thầy, cũng chẳng giống mẹ cả con còn tưởng mình nghĩ nhiều, ngờ đâu."
Lời của nàng bị phu nhân cắt ngang, bà vỗ về nàng, giọng vô cùng hiền từ: "Được rồi không nghĩ đến nữa, cũng muộn rồi, con về nghỉ đi thôi."
***
"Nghe chuyện gì chưa, An phủ sứ chết rồi đó, lại còn là chết cháy cơ!" Gã nông dân nọ giữa trưa ngồi dưới gốc đa, tay cầm nắm cơm nguội, miệng nói úp mở với mấy gã nông phu khác.
Anh ta vừa nói dứt lời thôi mà đã có người nói thêm vào: "Nghe bảo người đốt còn là con rể của lão thì phải, phải không ông Lựu?"
"Đúng đúng đúng, người đó hình như là cậu Vũ ở xã Đồng Diên bên cạnh đấy. Khiếp, cho lão chết, dân lộ mình sống có phải dễ dàng gì đâu mà cứ thuế lên thuế xuống. Làm ông đây bận tháng giêng còn phải bán cả đàn chó để có tiền nộp thuế đấy!!" Giọng điệu mang theo vê oán giận.
Người bên trái tên khởi xướng chuyện ban nãy vươn cổ lên lấy nắm cơm ở phía trước nghe ngóng, hắn chẳng biết việc gì hết, nghe hết người này kể lại người kia kể mà nhức hết cả đầu.
Vừa dở nắm cơm, hắn vừa nói: "Mà kể cũng tài, cái cậu Vũ kia làm sao mà thuận lợi làm được con rể lão già kia thế? Mấy ông ai biết kể lão nông nghe cái nào."
Mấy người kia cứ nhao nhao hết cả lên, tranh nhau kể.
"Ô thế cái lão Bát không biết à!"
"Đương nhiên là nhờ có vị tên Bá Chi Bá Chủng gì đấy ở bên Tân Hưng giúp sức rồi, chứ lão nghĩ mà xem, một thư sinh mất cả người nhà lẫn tài sản thì làm sao mà bày ra được cái trò đấy!"
"Ít ra người ta phải có mưu có trí mới làm nên chuyện, chứ đâu ai như ông chỉ cầy bừa vài mẫu ruộng, đến vợ còn bị lừa mất như ông chứ."
Ngoài đình làng cũng nghe mấy thím mấy mợ tụm nhau vào mà tám chuyện.
Bà kia vừa nhau trầu vừa bảo.
" Đáng cái đời nhà lão, ác giả ác báo. Mà mấy thím có biết không, lão đấy hồi còn ở châu Tam, Tầm gì đấy còn giết vợ cơ! Chồng thím Bảy ngoài kia có việc bên Thường Tín, lúc về còn trực tiếp xem được thông cáo đấy."
Bà lão răng đen môi đỏ phía sau nghe xong cứ tặc lưỡi, lắc đầu ngán ngẩm không ngừng.
"Con gái lớn nhà lão còn dùng tà thuật để mê hoặc đàn ông nữa đấy, mấy bà có biết không." Người đàn bà khua khua tay ra hiệu cho đám người bên cạnh xúm lại, mụ nhổ toẹt miếng bã trầu ra, kể: "Nghe nói là cưa được cậu nào ở lộ Thiên Quan nữa đấy, ta còn nghe nói, đứa con gái đấy lúc từ ngoại về bỗng nhiên chết bất đắc kì tử, thi thể teo tóp không còn giọt máu nào luôn cơ."
Mấy bà nhiều chuyện nghe xong bỗng che miệng như muốn nôn khan, không tin nổi vào những gì vừa mới nghe.
Bỗng có người bạo gan hỏi: "Thế cái con đấy là cái con lấy cậu Vũ kia à? Khiếp lắm cơ, phải cam chịu con vợ như thế mới vào được cái nhà đấy báo thù."
Người đàn bà nọ xua tay, nói lại: "Không phải con bé đấy, cậu Vũ là lấy cái con thứ cơ. Mà có khá khẩm hơn là gì đâu, con kia còn bị ngu cơ!"
Đám đàn bá cứ ríu rít hết với nhau, bao nhiêu cái chuyện xấu cũ mới của Đỗ Mạnh Cường đều bị đưa ra hết bằng sạch. Người trong thừa tuyên chằng cần biết chuyện mình nghe là đúng thật hay giả.
Thật giả lẫn lộn cũng chằng mấy ai để ý, nhưng chắc chắn khi nhắc tới Đỗ Mạnh Cường thì sẽ luôn gắn với mấy câu như: "Đáng đời lão lắm", "cho lão chết là đúng rồi".
Còn kèm theo đó chính là mấy cái danh xưng như tham quan, cáo già, quỷ hút máu,... đều là nói về Đỗ Mạnh Cường cả.
Đến cả cái việc lão ngủ với đàn ông rất nhiều năm về trước cũng bị đào lại.
Không ai là không ghê tởm, không ghét cay ghét đắng cái lão già đó, thậm chí còn có người thấy lão chết như vậy là quá dễ dàng. Lão chết, còn kéo theo cả người khác chết cùng, trong mắt người dân chính là kiểu lòng dạ lang sói.
Chẳng mấy mà danh tiếng của Đỗ Mạnh Cường đã xấu, lại còn xấu hơn.
Đám người làm của Hoài An cũng thường nhắc tới mấy chuyện này. Nhưng ở trước mặt cô ta chẳng ai dám nhắc tới An phủ sứ, nhắc tới rồi sẽ chạm vào nỗi đau của cô ta.
Bây giờ dường như là người nhà An phủ sứ và Chi Hạ chính là điều cấm kị không được nói ở phủ Nguyễn Thị, nhất là trước mặt Hoài An.
Chi Hạ đã được an táng tử tế trong mộ phần nhà họ Vũ ở Thái Bình, nhưng trong gian phòng của Hoài An vẫn luôn có một bệ thờ nhỏ dành cho nàng ấy.
Đứa trẻ của Chi Hạ vẫn chưa được tìm thấy.
Bên ngoài có con hầu chạy vào. "Dạ cô, có bà Lợi nhà họ Trần ở lộ Thái Bình tới tìm ạ!"
Hoài An buông tấm dẻ lao đang lau dọn bệ thờ của Chi Hạ xuống, trông cô ta gầy đi rất nhiều.
"Bảo bà Lợi đợi một chút, cô sẽ ra ngay."
Con hầu lui xuống, ánh mắt vô tình lướt qua bệ thờ sạch sẽ của Chi Hạ. Nó thở dài, vừa thương Chi Hạ, lại vừa xót xa cho cô chủ nhà mình.
Lúc này Hoài An nhìn bên mép cửa sổ, linh hồn của Trần Yên đang bay lửng lơ ở một góc phòng. Hoài An mang con mắt âm dương, nên nhìn thấy bà cũng chẳng phải chuyện lạ.
Bà chết lúc còn lúc còn sớm, gương mặt vẫn vấn vương nét xinh đẹp.
"Cảm ơn cô đã giúp ta rửa thù, không có gì để báo đáp, ta chỉ có thể giúp cô ổn định lại hồn phách cho cậu Phú. Bây giờ cậu bình thường lại rồi, vẫn là cảm ơn cô."
Hoài An lướt qua bà, nói: "Xong rồi thì sớm đầu thai đi."
Trần Yên đi theo cô ta, giọng nói có nét man mác buồn: "Cô có muốn gửi lời gì cho cái Hạ không, nếu như có ta sẽ chuyển giúp cô khi về âm phủ."
Hoài An dừng lại, hai mắt phiến hồng do khóc thầm nhiều ngày: "Nếu gặp... Bà nói với muội ấy giúp ta, ta xin lỗi muội ấy rất nhiều, kiếp sau vẫn muốn gặp lại muội ấy."
Một hồn một người sóng vai nhau giữa màn mưa tầm tã, mưa thì cứ rơi còn tâm người thì vẫn trùng xuống chẳng thể nào vui vẻ được.
"Ta đã gọi hồn muội ấy rồi, nhưng muội ấy không về... Ta đoán, chắc là muội ấy ghét ta rồi."
Sau đó linh hồn Trần Yên được hắc bạch vô thường dẫn đi, lúc đi, bà vẫn cúi đầu cảm ơn Hoài An. Đến tận lúc Trần Yên rời đi lâu rồi, Nguyễn Hoài An vẫn đứng yên ở đó, nắm tay siết chặt.
Chi Hạ không muốn gặp cô ta sao? Hay đã được hắc bạch vô thường dẫn đi rồi?
Cô ta không biết, vẫn chỉ ôm một hi vọng mong manh rằng có thể gặp lại nàng lần nữa.
(Lưu ý:Nội dung truyện chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của tác giả.)